Phạt nguội vi phạm giao thông đang trở thành giải pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Việc áp dụng công nghệ hiện đại giúp quá trình giám sát và xử lý vi phạm diễn ra minh bạch, nhanh chóng hơn.
Phạt nguội là gì?
Hiện nay, thuật ngữ “phạt nguội” được sử dụng để phân biệt với hình thức xử phạt trực tiếp tại thời điểm xảy ra vi phạm giao thông. Đây là phương thức xử lý vi phạm sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi hành vi vi phạm được ghi nhận, thay vì xử lý ngay tại chỗ.
Hình thức phạt nguội chủ yếu dựa trên hình ảnh, video thu thập từ hệ thống camera giám sát lắp đặt trên đường phố. Những dữ liệu này sẽ được chuyển về trung tâm xử lý để xác minh và làm căn cứ xử phạt.
Ngoài dữ liệu từ camera, phạt nguội còn áp dụng đối với thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, theo quy định tại Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA.
Thông tin, hình ảnh được tiếp nhận từ các nguồn sau:
- Thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không thuộc thiết bị nghiệp vụ của cơ quan chức năng);
- Phản ánh đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng và có căn cứ xác định vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Giám sát và phát hiện vi phạm bằng công nghệ hiện đại
Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt và nâng cấp đồng bộ, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện tự động các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, vi phạm tốc độ… Thông tin vi phạm sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý để phục vụ công tác xử phạt.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ hệ thống GPS lắp đặt trên các phương tiện vận tải cũng hỗ trợ phát hiện các vi phạm về tốc độ. Ngoài ra, các thiết bị di động của lực lượng Cảnh sát giao thông giúp ghi nhận vi phạm nhanh chóng, chính xác ngay trên thực địa.
Điều 15 của Thông tư quy định về “Phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ”, cụ thể:
1. Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông.
2. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu trữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.
3. Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
a) Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ Cảnh sát giao thông cho xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
b) Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.
Quy trình xử lý vi phạm theo Thông tư 73/2024/TT-BCA
Về trình tự xử lý “phạt nguội”, Điều 24 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định “Trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm”, cụ thể:
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện như sau:
a) Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan;
b) Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử).
Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nhưng Công an xã, phường, thị trấn chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm;
c) Gửi thông báo (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản, bằng phương thức điện tử kết nối, chia sẻ dữ liệu trên App VNeTraffic khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
Đồng thời cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, App VNeTraffic để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, tra cứu, liên hệ giải quyết.
2. Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
3. Trường hợp vụ việc vi phạm do Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay (trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính) kết quả giải quyết, xử lý vụ việc cho cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông; gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan Đăng kiểm, cơ quan đăng ký xe (nếu đã có thông tin cảnh báo từ cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm đối với vụ việc quy định tại khoản 5 Điều này).
4. Trường hợp vụ việc vi phạm do cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay (trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính) kết quả giải quyết vụ việc cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông; gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, cơ quan đăng ký xe đối với vụ việc quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện như sau:
a) Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan Đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định), cơ quan đăng ký xe, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính.
b) Đối với phương tiện giao thông là xe mô-tô, xe gắn máy, tiếp tục gửi thông báo đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này). Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chuyển thông báo đến cho chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính và yêu cầu họ thực hiện theo thông báo vi phạm; kết quả làm việc, thông báo lại cho cơ quan Công an đã ra thông báo vi phạm (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).
6. Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Thông tư 73/2024/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội đối với phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024. Thông tư này quy định chi tiết công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).
Quy trình xử lý phạt nguội tóm tắt gồm các bước sau:
- Bước 1: Xác định thông tin vi phạm
Trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm, cơ quan Công an sẽ truy xuất thông tin phương tiện, chủ sở hữu và các cá nhân, tổ chức liên quan thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan đăng ký xe hoặc các đơn vị liên quan. - Bước 2: Chuyển hồ sơ vi phạm
Nếu vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Công an cấp xã, phường, thị trấn, hồ sơ sẽ được chuyển về đơn vị địa phương nơi chủ phương tiện cư trú hoặc đặt trụ sở để giải quyết. - Bước 3: Thông báo vi phạm
Cơ quan chức năng gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện hoặc tổ chức có liên quan, yêu cầu đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc. - Bước 4: Xử lý vi phạm
Chủ phương tiện hoặc người vi phạm đến làm việc tại cơ quan Công an, nơi có thẩm quyền sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định.
Cách tra cứu phạt nguội phổ biến
1. Tra cứu trên website Cục Cảnh sát giao thông
Người dân có thể kiểm tra phạt nguội trực tuyến qua website chính thức của Cục Cảnh sát giao thông theo các bước:
- Bước 1: Truy cập địa chỉ http://www.csgt.vn/, chọn mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh bên phải giao diện.
- Bước 2: Nhập biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện (ô tô hoặc xe máy).
- Bước 3: Điền mã bảo mật hiển thị bên cạnh ô trống. Nếu gặp lỗi, vui lòng thử lại và đảm bảo nhập đúng ký tự.
- Bước 4: Nhấn Tra cứu để nhận kết quả.
Hệ thống sẽ hiển thị thông tin vi phạm (nếu có) hoặc thông báo không tìm thấy dữ liệu nếu phương tiện không bị phạt nguội.
2. Tra cứu trên website Cục Đăng kiểm Việt Nam
Để tra cứu phạt nguội khi đăng kiểm xe ô tô, người dân thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Truy cập website http://www.vr.org.vn, vào mục Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện ở phần Tra cứu dữ liệu bên phải màn hình.
- Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin biển số xe và số tem, giấy chứng nhận kiểm định (sử dụng dấu “-” để phân cách giữa chữ cái và chữ số). Đối với biển 5 số, thêm ký tự cuối: T (biển trắng), X (biển xanh), V (biển vàng).
- Bước 3: Kéo xuống dưới để xem thông báo vi phạm (nếu có).
Nếu không có thông báo, xe không bị phạt nguội và có thể đăng kiểm bình thường. Nếu xuất hiện ô màu đen hiển thị thông tin vi phạm, xe chưa hoàn tất đóng phạt và sẽ bị từ chối đăng kiểm.
3. Tra cứu trên website Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố
Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích hợp chức năng tra cứu phạt nguội trên website.
Ví dụ, tại TP.HCM, người dân truy cập địa chỉ http://www.giaothong.hochiminhcity.gov.vn/tracuu/#home/VIPHAM, nhập thông tin theo yêu cầu để tiến hành kiểm tra.
4. Tra cứu qua ứng dụng di động
Ngoài tra cứu trên website, người dân có thể tải các ứng dụng tra cứu phạt nguội trên điện thoại thông minh, hỗ trợ cả hệ điều hành Android và iOS. Chỉ cần nhập biển số xe và loại phương tiện, ứng dụng sẽ cung cấp kết quả nhanh chóng và tiện lợi.
Lợi ích và tác động của quy định mới
Việc áp dụng các quy định mới không chỉ giúp tăng cường ý thức chấp hành luật giao thông mà còn giảm tải áp lực cho lực lượng CSGT trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng phát triển. Công nghệ hiện đại kết hợp với quy trình minh bạch sẽ tạo nên một hệ thống giao thông an toàn, văn minh, góp phần xây dựng đô thị phát triển bền vững.
An Thái hi vọng qua bài viết này người tham gia giao thông cần chủ động nắm bắt, tuân thủ các quy định để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng, tránh mắc các lỗi để bị phạt nguội, đồng thời góp phần xây dựng môi trường giao thông hiện đại, văn minh hơn.